Cẩm nang cho người lần đầu làm web

Không tránh khỏi ít nhiều bối rối, bỡ ngỡ khi lần đầu tiên bạn phụ trách việc thiết kế website cho doanh nghiệp mình. Bắt đầu như thế nào? Từ đâu? Cần chuẩn bị những gì? Nên đầu tư ngân sách khoảng bao nhiêu? Mất bao lâu để thiết kế xong website? Chọn công ty thiết kế nào là uy tín? Xu hướng thiết kế web hiện nay như thế nào? Làm thế nào để website đạt hiệu quả cao nhất?...

Thông thường bạn sẽ làm một số việc trước khi liên hệ nhà cung cấp. Ví dụ tìm hiểu  các website cùng lĩnh vực, tìm hiểu về thị trường thiết kế website, các nhà cung cấp có tiếng, quy trình thiết kế website.

Nếu bạn thấy thích một vài website nào đó, nên lưu lại để tham khảo, có áp dụng được vào website công ty bạn hay không thì còn tùy thuộc, nhân viên tư vấn website sẽ tư vấn thêm với bạn sau này.

giathietkewebsite

Nếu tìm kiếm trên Google, bạn sẽ thấy thị trường thiết kế website có nhiều mức giá, từ 500 ngàn đồng đến vài triệu đồng. Các nhà cung cấp uy tín, có mức giá vài chục triệu đồng hầu như không thấy hiện kết quả ở trang 1. Còn các công ty thiết kế web cao cấp có giá vài trăm triệu đồng thì thậm chí không có cả trang web, website của họ thường đang “under construction” (!!!!).  Nếu tìm hiểu thực tế, mặt bằng giá thiết kế một website được đầu tư nghiêm túc thường trong khoảng từ 10 – 30 triệu đồng.

Về quy trình thiết kế website thường sẽ gồm có: thiết kế giao diện, lập trình phần giao diện, lập trình phần quản trị, làm hiệu ứng, kiểm thử và nhập liệu. Thời gian thực hiện trong khoảng từ 10 – 40 ngày là hoàn tất.

Về phía bạn, dưới đây là các công việc bạn cần làm để dựng lên một website hoạt động trên mạng từ khởi đầu chưa có gì. Một số việc bạn sẽ phải tự làm, một số việc bạn hoàn toàn có thể nhờ tư vấn hoặc thuê ngoài.

Các việc cần thực hiện khi thiết kế website:

1. Làm rõ chiến lược website

Phải biết rõ bạn cần gì, muốn gì thì mới bắt tay vào làm được. Các câu hỏi cần trả lời là

  • Mục đích thiết kế website để làm gì?
  • Đối tượng xem website là ai?
  • Website có bao nhiêu ngôn ngữ?
  • Bạn muốn người xem cảm nhận thế nào về công ty thông qua website?
  • Bạn muốn đạt kết quả gì sau khi có website?
2. Chọn nhà cung cấp phù hợp

Là đơn vị sẽ đi cùng với bạn ít nhất từ 3 – 5 năm. Nên ngoài việc hiểu bạn cần gì và có đủ khả năng đáp ứng những điều bạn cần với chi phí tốt nhất, họ còn phải chứng tỏ dịch vụ hậu mãi đủ tốt và lâu dài, chứ không phải xong dự án là kết thúc.

3. Chọn tên miền để đăng ký

Các đuôi tên miền phổ biến hiện nay là: .VN, .COM.VN, .COM

4. Lên site map chính thức

Cần thống nhất website gồm có những chuyên mục chính gì? Chuyên mục phụ gì? Căn cứ vào site map để lên kế hoạch và phân bổ việc soạn nội dung vì công việc này mất rất nhiều thời gian.

Các banner ở trang chủ cũng cần được xem xét sẽ nói về những nội dung gì để tìm hình và viết câu tagline chuyển cho công ty thiết kế web thực hiện.

Xem xét các nội dung gì cần trình bày ở trang chủ, dài ngắn, nhiều ít thế nào để đáp ứng chiến lược của công ty bạn.

Một số công ty có nhiều mặt hàng, số lượng sản phẩm rất nhiều, thì việc xác định cây thư mục sản phẩm cụ thể gồm các nhóm sản phẩm nào, sản phẩm trong mỗi nhóm… cũng tốn nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị.

5. Soạn nội dung dữ liệu cho website.

Nội dung sẽ gồm nhiều dạng:

  • Bài viết, ví dụ bài giới thiệu công ty, dịch vụ, bài tư vấn, hướng dẫn sử dụng… Bạn có thể tự viết hoặc thuê ngoài với giá từ 200.000 – 2 triệu đồng.
  • Hình ảnh, ví dụ hình ảnh sản phẩm, công trình, cửa hàng, nhân sự,… Cần đầu tư vào khâu hình ảnh thật bắt mắt. Nếu bạn tự chụp, nên chú ý nhiều đến phông nền, đủ ánh sáng.
  • Clip, ví dụ clip giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn sử dụng, tư vấn bán hàng…
  • File tài liệu.
  • Danh sách khách hàng/đối tác.

Quá trình thiết kế website mất khoảng 30 ngày, thì phần nội dung chính cần được chuẩn bị trước để dễ dàng test web với dữ liệu thực tế. Các nội dung chi tiết hoặc không quan trọng sẽ từ từ cập nhật sau khi đã hoàn thành website.

6. Lập danh sách từ khóa website

Trước khi cập nhật dữ liệu vào website, bạn nên dành thời gian soạn 1 file danh sách các từ khóa chính và phụ của website. Thường có khoảng 50-100 từ khóa dài ngắn khác nhau. Việc này giúp đặt tên các chuyên mục trên website được chuẩn SEO, tránh thay đổi tên dẫn đến thay đổi URL không có lợi. Ngoài ra, danh sách các từ khóa này cũng giúp việc soạn nội dung chi tiết có trọng tâm hơn.

Thông thường, các công ty không làm bước này, mà đơn vị làm SEO sẽ làm. Tuy nhiên, những kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực kinh doanh của bạn rất đáng giá để có những từ khóa đánh đúng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Trong khi đơn vị làm SEO sẽ tạo ra một danh sách từ khóa nhiều yếu tố kỹ thuật hơn.

7. Cập nhật dữ liệu vào website

Sau khi đã có đầy đủ các nội dung cần thiết, bạn có thể tự mình cập nhật dữ liệu vào website, hoặc chuyển cho công ty thiết kế website thực hiện. Thông thường nếu dữ liệu trong vòng 20 bài viết thì công ty thiết kế website sẽ nhập miễn phí.

Để cập nhật dữ liệu vào website yêu cầu bạn phải biết sử dụng công cụ quản trị website. Việc này khá đơn giản, chỉ cần hướng dẫn qua là được. Cái quan trọng là bạn cần để ý đến việc dàn trang (trang trí văn bản) và xử lý hình ảnh cho đẹp mắt.

Cũng giống như xây nhà, giai đoạn nhập liệu chính là trang trí nội thất hoàn thiện như treo tranh, sắm drap, cắm hoa... Những việc này góp phần tạo nên sự đồng bộ, đẹp mắt, chuyên nghiệp, chỉn chu thấy rõ cho website.

8. Đăng ký dịch vụ lưu trữ website (kèm email nếu cần) để chạy chính thức website

Website qua bước nhập liệu cơ bản, kiểm tra các đường dẫn URL hoàn thiện xong thì mới nên up chạy chính thức. Tránh tình trạng up website xong thì vào sửa URL liên tục làm ảnh hưởng đến SEO web. Hoặc website đã chạy chính thức, nhưng thông tin chưa có thì web có cũng như không.

9. Theo dõi hoạt động website thông qua báo cáo của Google Analytics hoặc Cpanel…

Khi hoàn thành website chạy chính thức thì thường đơn vị thiết kế web sẽ cài Google Analytics để cung cấp cho bạn công cụ xem thống kê chi tiết tình hình truy cập website. Bạn sẽ biết mỗi ngày website có bao nhiêu lượt xem, thời gian lưu lại trên website, khung thời gian xem nhiều, có bao nhiêu đường link dẫn về website...

10. SEO website

Bao gồm làm SEO onpage và SEO offpage. Thường bạn sẽ thuê ngoài dịch vụ này, hoặc có lịch tự cập nhật website định kỳ theo hướng chuẩn SEO nhất, từ từ website cũng sẽ cải thiện thứ hạng.

11. Cập nhật website định kỳ

Đây là yếu tố thường bị bỏ quên. Website phải là kênh truyền thông riêng của công ty, nếu doanh nghiệp không có nhân sự, thời gian chăm lo việc này thì là một lãng phí đáng tiếc.

 

Bạn thấy đấy, có đến 11 đầu việc bạn phải nhúng tay vào. Cho nên có thể nói, xây dựng website là một công việc khá tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi một vài kỹ năng về marketing (chứ không phải IT như nhiều người thường nghĩ). Ngoài thời gian dựng lên mất khoảng 2 tháng, còn cần một quá trình ít nhất 6 tháng theo dõi chạy thử để điều chỉnh, bổ sung liên tục thì mới hoàn thiện. Chúc bạn có một trải nghiệm thú vị với công việc này!